Với mong muốn hồi sinh làng nghề truyền thống và phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ với các sản phẩm được thương mại và có khả năng xuất khẩu từ cỏ Bàng như Ống hút cỏ Bàng và sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ cỏ Bàng, phát triển du lịch qua hình thức tham quan, trải nghiệm góp phần quảng bá làng nghề truyền thống của Huế, ý tưởng của tác giả Lê Thùy Nhi – Công ty TNHH Hữu cơ Huế Việt và cộng sự được trao giải Nhì cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2021.
Hồi sinh một làng nghề
Nghề đan đệm tại làng Phò Trạch, xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế từ lâu đã rất nổi tiếng với các sản phẩm từ cây cỏ Bàng (cói Bàng), một loại cây cỏ mọc tự nhiên tại ngôi làng có bề dày lịch sử hàng trăm năm tuổi. Với điều kiện thời tiết đặc trưng cũng như hệ sinh thái tự nhiên ở ngôi làng này đã tạo nên các vùng đất trũng ngập nước cho cỏ Bàng phát triển tươi tốt, mạnh mẽ. Vô tình cung cấp nguồn nguyên liệu dồi dào cho dân làng, trở thành những sản phẩm Đệm Bàng dùng trong gia đình, cũng như là nghề chính để mưu sinh từ bao đời nay. Người dân làng Đệm Phò Trạch từ già đến trẻ, từ phụ nữ đến trẻ con hay đàn ông trong làng không ai không biết đan đệm.
Người nông dân với cây cỏ Bàng
Cách đây hơn 25 năm, cỏ Bàng từng là nguyên liệu sản xuất ra những vật dụng hữu ích trong đời sống hằng ngày, là nguồn lực kinh tế của địa phương khi đây là nguồn nguyên liệu sản xuất ra nhiều sản phẩm xuất khẩu đi các nước trên thế giới. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp nhựa đã khiến loại nguyên liệu này không còn phù hợp với cuộc sống bận rộn của con người, văn hóa “nhanh, gọn, tiện” bắt đầu lan rộng từ các nước phương Tây đến Việt Nam. Vì vậy, nghề đan đệm dần thất truyền, diện tích trồng cỏ Bàng ngày càng bị thu hẹp, làng nghề truyền thống cũng dần mai một. Hơn thế nữa, tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa do lạm dụng đồ dùng bằng nguyên liệu khó phân hủy đã tàn phá môi trường và gây ra những hậu quả nghiêm trọng trên khắp thế giới.
Cô gái trẻ Lê Thùy Nhi cho biết: “Với mong muốn cùng chung tay góp sức bảo vệ môi trường cũng như nhận thấy được tiềm năng phát triển kinh tế cùng giá trị văn hóa của các sản phẩm từ cây cỏ Bàng xuất xứ tại làng nghề Đệm Bàng Phò Trạch, làng nghề truyền thống có tuổi đời gần 400 năm, sau gần 3 năm nghiên cứu, tìm hiểu, sản xuất thử nghiệm, ý tưởng “Cỏ Bàng Huế – hồi sinh làng nghề truyền thống, lan tỏa văn hóa Việt và thông điệp bảo vệ môi trường” ra đời, bước đầu hồi sinh một làng nghề tưởng chừng không còn tồn tại trên vùng đất Cố đô”.
Sản phẩm ống hút cỏ bàng thay thế ống hút nhựa góp phần bảo vệ môi trường
Lê Thùy Nhi còn cho biết thêm, tiếp nối hồi sinh làng nghề truyền thống Đệm Bàng Phò Trạch với bề dày lịch sử hàng trăm năm tuổi đã được Công ty Hữu cơ Huế Việt, nhà đầu tư chính của dự án phát triển thành công trong gần 3 năm qua, dự án này đi vào hoạt động tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân trong vùng, hơn thế nữa, việc phát triển du lịch qua hình thức tham quan, trải nghiệm góp phần quảng bá làng nghề truyền thống của Huế, mang lại nhiều giá trị cho người dân làng Đệm Phò Trạch nói riêng và tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung. Nếu dự án thành công sẽ góp phần phát triển sản phẩm từ cỏ Bàng với chất lượng cao, có giá trị văn hóa, lịch sử Huế, tạo công ăn việc làm mang tính bền vững cho dân làng qua nghề đan đệm, đồng thời xây dựng nông nghiệp an toàn với phát triển du lịch sinh thái, từ đó giới thiệu và quảng bá sản phẩm truyền thống và văn hóa Huế và góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho cộng đồng.
Thương mại hóa cho sản phẩm đệm bàng
Thuyết trình tại vòng chung kết cuộc thi, cô gái trẻ Lê Thùy Nhi đã rất mạnh dạn trao đổi những ý tưởng sau khi sản phẩm đã thành công, trong đó nhấn mạnh đến tính ứng dụng công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ. Sản phẩm làm ra từ cỏ Bàng đến nay không còn là những sản phẩm lỗi thời từ thập niên 80 như chẹ lót nôi trẻ em, bao đựng muối, túi đi chợ, đến nay chúng tôi đã tìm tòi học hỏi và sáng tạo ra nhiều sản phẩm mới, nhiều mẫu mã đa dạng, hợp thời trang và các sản phẩm mang tính ứng dụng cao. Đặc biệt, “Nón cỏ Bàng”, “Ống hút cỏ Bàng”, “Tranh cỏ Bàng” là những sản phẩm sáng tạo nhất mà chúng tôi đã làm được trước sự vui mừng của các nghệ nhân làng nghề Đệm Bàng và phản hồi tích cực từ người tiêu dùng, là mở đầu cho sự hồi sinh đầy ngoạn mục của một nghề truyền thống.
Combo Túi xách + nón cỏ bàng vẽ hoa sen
Là những người trẻ, bằng kiến thức đã được học, nhóm tác giả đã không ngừng tìm tòi, nghiên cứu để nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ cải thiện kỹ thuật trồng để mở rộng diện tích vùng nguyên liệu đến kỹ thuật đan của những người thợ để cho ra sản phẩm tinh xảo, hay ứng dụng công nghệ chống ẩm mốc bằng Nano bạc để tăng độ bền và bảo quản sản phẩm…. tất cả được nhóm Mộc Bàng sáng tạo không ngừng nhằm đưa sản phẩm đi ngày một xa hơn.
Không chỉ hợp với hình ảnh quen thuộc như túi cói đi biển, mũ cói đi biển, sản phẩm từ cỏ (cói) Bàng được mọi người ưa chuộng và ứng dụng nhiều hoàn cảnh khác nhau ở nhiều độ tuổi
Ngoài ra, các sản phẩm mang giá trị văn hóa cao khi được kết hợp giữa chất liệu cỏ Bàng với các sản phẩm làng nghề khác như thổ cẩm dệt Dèn, lụa tơ tằm, lụa tơ sen,… Ngoài ra, những bức tranh ký họa hoa sen – quốc hoa Việt Nam, các ký họa về di sản kiến trúc Huế, danh lam thắng cảnh Việt được các họa sĩ thể hiện trên những sản phẩm cỏ Bàng một cách sáng tạo, tài tình nhằm tăng thêm giá trị văn hóa trên từng sản phẩm.
Tranh hoa sen trên nền cỏ Bàng
Điều quan trọng hơn cả, dự án đã truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường đến với mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp qua sự đa dạng về kiểu dáng và phong cách: từ sang trọng, cổ điển đến trẻ trung, năng động…, mọi người đều có thể lựa chọn sản phẩm phù hợp với bản thân. Dùng túi cỏ Bàng với những thiết kế sang trọng thay cho túi nhựa, túi da, dùng ống hút cỏ thay cho ống hút nhựa hay tấm chiếu cỏ với độ bền và công năng sử dụng vượt trội những chiếc chiếu nhựa… gây ô nhiễm môi trường.
Xã hội ngày càng phát triển khiến con người có những thói quen xấu rất có hại cho sức khỏe của bản thân và môi trường. Đại dịch Covid-19 xảy ra đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền Kinh tế và sức khỏe của toàn thế giới, đó chính là lời cảnh báo nghiêm khắc, rõ ràng khiến mọi người dần có ý thức hơn trong việc tìm hiểu các sản phẩm an toàn và thân thiện với môi trường, mà sản phẩm Đệm Bàng sẽ là lựa chọn hàng đầu cho việc thay thế các vật dụng cần thiết trong đời sống hằng ngày. Ngoài ra, với niềm tự hào và tự tôn dân tộc, ngày càng có nhiều người tiêu dùng và quảng bá các sản phẩm truyền thống của quê hương với mong muốn ủng hộ tài sản trí tuệ Việt, phát triển sản phẩm truyền thống, sản phẩm của các làng nghề đồng nghĩa với việc giữ gìn bản sắc dân tộc Việt Nam.
Ví cỏ bàng cầm tay vẽ hình cung đình và hoa sen
Có thể thấy, dự án “Cỏ Bàng Huế – hồi sinh làng nghề truyền thống, lan tỏa văn hóa Việt và thông điệp bảo vệ môi trường” sẽ đáp ứng được xu thế hiện nay. Từ nguyên liệu cỏ Bàng nay đã được, nhóm tác giả đã không ngừng cải tiến và sáng tạo ra nhiều sản phẩm có tính ứng dụng cao trong đời sống, đặc biệt với sự tỉ mỉ, tinh xảo trong quá trình sản xuất, ngoài Ống hút cỏ Bàng ra, phần nguyên liệu thừa đã được chúng tôi tận dụng triệt để không chỉ làm ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ mà còn tạo nên xu hướng “thời trang cỏ Bàng” hoàn toàn mới mẻ, thu hút được nhiều người quan tâm và sử dụng. Với lợi thế trong việc chủ động sản xuất và thiết kế, chúng tôi có thể hướng đến nhiều đối tượng khách hàng, nhiều tầng lớp xã hội.
Combo đi biển mộc mạc nhưng không kém phần thời trang, năng động của Mộc Bàng
Trong thời gian tới, nhóm thực hiện dự án sẽ tiến hành tổ chức các tour du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng kết hợp với truyền bá lịch sử, văn hóa làng nghề Đệm Bàng Phò Trạch. Đây sẽ là một điểm mới của du lịch Huế, không chỉ có những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh mà còn có thể phát triển được nhiều mô hình du lịch hơn, giúp thu hút và giữ chân du khách đến Huế. “Các dịch vụ mà chúng tôi đã cung cấp và tổ chức thành công bao gồm: tham quan ruộng cỏ Bàng, phân xưởng sản xuất, quảng diễn các công đoạn xử lý cỏ Bàng và đan đệm, cho du khách trải nghiệm đan một số sản phẩm đơn giản ngay tại xưởng sản xuất… Đặc biệt, chúng tôi kết hợp du lịch làng cổ Phước Tích để có nhiều trải nghiệm và tạo thành tour du lịch cộng đồng thú vị”, Lê Thùy Nhi chia sẻ.
Trong tương lai, dự án có thể triển khai thêm các dự án nhỏ nhằm cải tạo, tăng thêm nhiều điểm tham quan tại làng nghề Đệm Bàng Phò Trạch, để kết hợp với các đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ du lịch chuyên nghiệp, tăng lượng khách du lịch đến Huế.
Bài viết từ tập san Khoa học và Kỹ thuật.
https://www.youtube.com/embed/dUk-I655HXU?feature=oembed Clip quá trình sản xuất, vùng nguyên liệu và xưởng sản xuất cỏ Bàng của Công ty Hữu cơ Huế Việt.
Phóng sự của “Việt Nam thức giấc” về làng nghề Đệm Bàng Phò Trạch, xưởng sản xuất Công ty Hữu cơ Huế Việt:
https://vtvgo.vn/kho-video/buoi-sang-tren-nhung-canh-dong-co-bang-viet-nam-thuc-giac-835755.html
Để mua hàng Mộc Bàng, quý khách có thể vào mục Sản phẩm Mộc Bàng trên website: https://huucohueviet.com/product-category/san-pham-moc-bang/ , hoặc inbox trực tiếp qua Fanpage: Mộc Bàng – Sản phầm làng nghề Huế
Hotline: +84 815 00 7575